Biết hay không biết

Chiều nay dở chứng đi chạy công viên, kết hợp ngồi thiền, thiền ko thành nhưng cũng ngộ ra một vài chuyện, cũng coi như có chút thành tựu.

[không nhớ rõ lắm, nhưng đại loại là trong một quyển sách nào đã đọc, viết như này về Thiền:]

“Khi bạn thiền, tâm trí như hàng ngàn hàng vạn con khỉ, không, là hàng ngàn hàng vạn con khỉ đang ngứa ngáy khắp người, thi nhau cào cấu làm loạn muốn thoát ra khỏi cũi”.

Đại ý nói về khó khăn khi nhập thiền. Quả vậy, mình đã thử ngồi thiền và chưa từng thành công. Càng cố gắng ko nghĩ thì càng nghĩ nhiều, càng bị phân tán bởi mọi thứ âm thanh hỗn tạp xung quanh, mà nhiều khi, nếu ko thiền thì hoàn toàn ko để ý đến. Những thứ âm thanh ấy, xuyên qua lỗ tai, chạy lên não, và ngay lập tức mình có thể so sánh với các mẫu âm có sẵn trong não để phân biệt nào là sóng nước, lá cây rơi, rồi thì tiếng bước chân của một em gái có vòng 3 khủng vv và vv. Tóm lại là lúc đấy thính nhạy lạ kỳ.

Chợt nhớ đến kinh Phật, thứ nguyên bản gốc tiếng Phạn ấy, thực sự có mấy ai hiểu thế nào là “tu lị, tu lị, ma ha tu lị”? Thế nhưng tại sao lại cứ nghe mà nhập thiền được? Theo mình thì kinh Phật ra rả bên tai có tác dụng che lấp đi hết thứ tạp âm bên ngoài, đồng thời, mạnh hơn nữa thì che lấp hết cả những suy nghĩ hỗn độn trong tâm tưởng, nhờ đó mà ý định thần nhàn, tâm thần trong sạch đặng nhập thiền.

Tuy nhiên, nếu bản thân có tri thức thông tuệ, lỡ mà lại hiểu được những ngôn ngữ đó, thì hễ nghe thấy thì não bộ lại lập tức tự động suy nghĩ, tìm lời lý giải, từ đó cứ suy tư liên miên không dứt, lạc vào cõi mê muội, không có cách nào xua tan được. Thành ra người biết nhiều thì khó, mà kẻ vô tri thì dễ nhập thiền.

Ấy thế mới nói rằng, biết nhiều khổ nhiều, biết ít khổ ít.

Nhưng kỳ thực, khổ mà không biết mình khổ, là cực khổ? Hay biết mình khổ mà làm như không khổ, mới là cực khổ?

Mà biết được đâu là cực khổ, có phải là một loại khổ? Haiz

//Update: sau khi chạy về được bữa rượu túy lúy quá lăn quay ra ốm, hôm sau trời đổ mưa mới nhục