Hội chứng kẻ mạo danh

MTTN: Impostor Syndrome, tên tiếng Việt do người viết tự đặt, phục vụ mục đích giảm thiểu việc sử dụng thuật ngữ nước ngoài trong blog này. Tên này không xuất phát từ một tài liệu chuyên ngành nào, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước. Tác giả không chịu bất cứ trách nhiệm nào liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ này bởi một bên khác (ví dụ bị chửi là ngu). Độc giả nào biết thuật ngữ tiếng Việt được chấp nhận xin cung cấp thông tin. Tác giả xin cảm ơn (miễn hậu tạ).

Từ Impostor Syndrome trên wikipedia

Đây là một hiện tượng tâm lý mà người mắc không có khả năng nhận thức được những thành quả mình gặt hái được, mà luôn cho rằng đó là do may mắn, đúng lúc hoặc lừa đảo người khác vế sự thông thái và kỹ năng của mình. Tên gọi Impostor Syndrome được đề xuất bởi Pauline R. Clance và Suzanne A. Imes vào năm 1978 (#)

Hội chứng này phổ biến hơn bạn nghĩ, thống kê cho thấy có đến 70% số người đã từng trải qua chúng, lúc này hay lúc khác. Hội chứng này có thể được thấy rõ ở nhiều nữ doanh nhân hay những người phụ nữ thành công khác. Dù vậy đàn ông mắc phải cũng không hiếm.

Một số trường hợp đã được ghi nhận bao gồm cả Neil Gaiman (tác giả Coraline (tôi rất thích cuốn truyện này, và cả phim nữa)), COO Facebook Sheryl Sandberg, và nữ diễn viên Emma Watson.

Thậm chí, A. Einstein cũng thừa nhận những điều này với một người bạn, vài tháng trước khi qua đời: “Sự kính phục thái quá dành cho sự nghiệp cả đời mình khiến tôi vô cùng không thoải mái. Tôi cảm thấy bị cưỡng ép phải nghĩ về bản thân như một kẻ lừa đảo vô ý”.

Thực tế cho thấy trong ngành công nghiệp phần mềm cũng có khá nhiều trường hợp mắc hội chứng kẻ mạo danh

Tốc độ phát triển công nghệ mới khiến bạn, hầu như, phải học thêm nhiều công cụ mới trong mỗi dự án, điều đó khiến bạn cảm thấy dường như mình không thể hiện được tốt như nó đáng ra phải thế, hoặc ít nhất là như mức người ta trông đợi vào một chuyên gia.

Và mỗi khi có một vấn đề phát sinh, thường thì sẽ có người đã giải quyết nó rồi. Trong môi trường như thế điều đó càng chứng tỏ bạn vẫn chưa đủ sáng suốt như yêu cầu.

Tôi trải qua cảm giác đó rất nhiều lần. Mỗi khi nhận được lời khen ngợi của đồng nghiệp, tôi nghĩ những thứ tôi làm thật dễ dàng, ai cũng có thể làm được, tôi ăn rùa thôi. Hoặc là tôi phản đối ý kiến của họ, với suy nghĩ rằng chi cần có một chuyên gia nào đó bước vào vào, trông thấy những thứ tôi làm, vạch mặt tôi với mọi người, và thế là xong.

Khi nỗi sợ đó ập đến, tôi thấy tôi là kẻ ngu ngốc nhất thế gian, rằng mọi người biết tất cả mọi thứ mà tôi không biết, còn họ thì cứ nghĩ tôi đã biết rồi.

Sau đây là một số biện pháp chống lại hội chứng này.

Hình minh họa, bởi Alicia Liu

Mike San Román đề xuất 8 bước như sau:

  1. Nhận thức được là hội chứng này tồn tại
  2. Mỗi khi nhận được lời khen, hãy tiếp thu một cách thật khách quan. Mỗi lần bạn từ chối một lời khen là làm tổn thương người khen bạn rất nhiều.
  3. Đừng đánh đồng thành công của bạn với may mắn
  4. Đừng nói về thành tích của mình với những câu: “chỉ là…”, “đơn giản là…”
  5. Giữ một cuốn sổ, ghi lại những trường hợp thành công hay thất bại của bạn, mỗi khi đọc lại bạn sẽ nghĩ về cả 2 thứ một cách thật công bằng
  6. Nhận thức được hoàn hảo là điều không thể, rốt cuộc vấn đề sớm hay muộn cũng sẽ phát sinh, nhưng hãy giữ điều đó làm một động lực để bạn phấn đấu.
  7. Hãy tự hào về sự khiêm tốn

    Chúng ta đều là chuyên gia. Chuyên gia trong công việc, trong việc nuôi dạy con cái, trong việc sang đường, trong việc ký tên. Rất khó để thoát khỏi việc trở thành chuyên gia. Bởi điều đó có nghĩa là phải thừa nhận mình chẳng biết cái đếch gì cả. Những điều chúng ta biết thuộc về quá khứ, còn hiện tại thì mới mẻ và đầy những thách thức mới. Nếu tôi chấp nhận việc mình không phải chuyên gia, tôi có thể lắng nghe với trí óc rộng mở, và tôi có thể học được cả từ những người mới vào nghề. #

  8. Ai cũng cần sự giúp đỡ, kể cả người giỏi nhất.

Từ blog Hackbright Academy:

  1. Không nên lo lắng về những thứ không tồn tại.
  2. Lên danh sách những thứ bạn cần học, và từ từ học chúng, thay vì lo lắng về chúng.
  3. Quan hệ với những người giỏi, bạn sẽ học được nhiều điều.
  4. Khi gặp vấn đề lớn, chia nhỏ nó ra, giải quyết từng thứ một, và tưởng thưởng bản thân vì mỗi thành tựu đạt được, dù nhỏ.
  5. Thừa nhận rằng có những thứ bạn không biết, những thứ bạn không bao giờ biết và nhứng thứ bạn có thể học được. Đầu óc của một con gà có khi lại là một lợi thế lớn.

Ngoài ra, có một hiệu ứng trái ngược cũng rất thú vị là hiệu ứng Dunning–Kruger. Ai rảnh tìm hiểu nha :D